Quy hoạch tổng thể phát triển ngành khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với các nội dung như sau:

MỞ ĐẦU

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 1.256,24 km2, dân số năm 2003 là 754.494 người. Về hành chính, thành phố có 5 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và 2 huyện: Hoà Vang và Hoàng Sa. Là thành phố lớn trong chuỗi đô thị miền Trung, Đà Nẵng được xác định là một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của miền Trung và cả nước. Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 3 năm (2001 – 2003) tăng 12,46%. Các lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ, giáo dục, văn hóa – xã hội cũng thu được nhiều thành tựu quan trọng. Khoa học và Công nghệ đã có những đóng góp nhất định trong những thành tựu chung ấy, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu làm cho khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực của sự phát triển thành phố và “xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển về khoa học và công nghệ của miền Trung”.

Chiến lược được xây dựng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự thảo luận và tham vấn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, những người quan tâm đến sự phát triển khoa học và công nghệ của thành phố.

Chiến lược là định hướng cơ bản cho các hành động trước mắt và lâu dài để giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; là cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để phát triển khoa học và công nghệ thành phố.

Chiến lược gồm 3 phần:

Phần I: Thực trạng phát triển khoa học và công nghệ của thành phố

Phần II: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và 2015.

Phần III: Các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn đến 2010.

PHẦN I: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Những kết quả đạt được

1.1. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

Từ năm 1997 đến nay, riêng ở cấp thành phố đã có 140 đề tài được triển khai. Trong đó, có 97 đề tài đã được nghiệm thu. Ngoài ra, hàng năm, các ngành, cơ sở còn tiến hành hàng trăm đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề bức xuác của ngành, cơ sở.

Qua khảo sát sơ bộ các đề tài cấp thành phố nghiệm thu từ năm 2002 trở về trước cho thấy, có 92% đề tài đã được ứng dụng vào thực tế. Tỷ lệ áp dụng theo các loại hình nghiên cứu như sau: Đề tài do doanh nghiệp thực hiện – 100% đề tài mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải tiến quy trình công nghệ, thiết bị, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường; Khoa học xã hội và nhân văn – 96%; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường – 87,5%; các lĩnh vực khác (Công nghệ thông tin, Nông lâm ngư nghiệp, Y dược) – khoảng 70%. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp thiết thực, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của thành phố.

Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc cụ thể hoá các văn bản của Trung ương và ban hành một số chủ trương, chính sách của thành phố; đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính quyền trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng Đảng. Ngoài ra, một số đề tài mang tính chuyên ngành như các đề tài về khoa học lịch sử, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian ở vùng đất Đà Nẵng… tuy không thể định lượng được hiệu quả nhưng có giá trị quan trọng về khoa học và thực tiễn.

Lĩnh vực điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường cung cấp cơ sở dữ liệu ban đầu quan trọng về tài nguyên đất, nước, khí hậu, môi trường, làm luận cứ khoa học cho việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, xây dựng Chiến lược Bảo vệ Môi trường.

Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ đã góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ở một số doanh nghiệp, ngay trong năm đầu tiên áp dụng kết quả nghiên cứu, doanh thu và lợi nhuận đã tăng lên đáng kể. Trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, các đề tài nghiên góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản; cung cấp các mô hình, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các đề tài trong lĩnh vực y tế đã góp phần thiết thực vào việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân thành phố, đồng thời phát triển mạnh công tác phòng bệnh tại cộng đồng.

Có thể nói, trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng hơn trước. Ở một số doanh nghiệp, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu cải tiến công nghệ, thiết bị, đa dạng hoá, hoàn thiện sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã từng bước góp phần quan trọng trong việc xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.