Quy hoạch phát triển một số ngành dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020

I. Quan điểm phát triển

1. Dịch vụ thương mại

Phát triển thương mại gắn với sự phát triển của các thành phần kinh tế; Quan tâm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn, có hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò dẫn dắt thị trường.

Gắn đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu với thị trường nội địa, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến sâu, phát triển mạnh một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và các mặt hàng mới có sức cạnh tranh.

Huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội và tiềm năng của thành phố để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường và các hoạt động thương mại.

2. Dịch vụ tài chính (bao gồm cả ngân hàng và bảo hiểm)

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Mở rộng khả năng “cung” dịch vụ, đồng thời góp phần kích “cầu” dịch vụ thông qua uy tín và thương hiệu, nhân lực có trình độ cao, công nghệ kỹ thuật hiện đại và quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

3. Dịch vụ bưu chính – Viễn thông

Phát triển dịch vụ bưu chính, viễn thông đảm bảo an ninh – quốc phòng, sự điều hành của Đảng và chính quyền được thông suốt.

Mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; mỹ quan đô thị; xây dựng Chính phủ điện tử; phổ cập dịch vụ viễn thông.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại và du lịch; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hoá; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính – ngân hàng – bảo hiểm…

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ tăng cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế thành phố, giai đoạn 2011-2015 tăng 13,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 14,0%/năm; tỷ trọng GDP của ngành dịch vụ đến năm 2015 chiếm 52,2% và năm 2020 chiếm 55,6% trong tổng GDP thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

– Thương mại

Thương mại chiếm tỷ trọng GDP cao trong tổng GDP khối dịch vụ, chiếm 31,5% GDP dịch vụ năm 2015 và 30% năm 2020. GDP thương mại tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 12,2%, giai đoạn 2016-2020 là 14,1%.

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 là 17,5%, giai đoạn 2016-2020 là 17%.

+ Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là 19,8%, giai đoạn 2016-2020 là 18,5%.

+ Khách sạn, nhà hàng: Tốc độ tăng giai đoạn 2011-2015 là 12,3%, giai đoạn 2016-2020 là 13,6%.

– Vận tải, kho bãi, thông tin truyền thông

+ Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 14,0%, giai đoạn 2016-2020 là 17,4%. Chiếm tỷ trọng 13% GDP dịch vụ năm 2015 và 15% năm 2020.

+ Đến năm 2020, bán kính phục vụ 0,73km/điểm, dân số phục vụ 1.200 người/điểm. Mật độ thuê bao cố định 48 máy/100 dân, di động 150 máy/100 dân, Internet 39 thuê bao/100 dân, truyền hình cáp 180.000 thuê bao.

– Tài chính, tín dụng, bảo hiểm

+ Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 13,7%, giai đoạn 2016-2020 là 15,5%. Là ngành có tỷ trọng GDP cao thứ 4 trong hệ thống các ngành dịch vụ, năm 2015 chiếm 8%, năm 2020 chiếm 8,5% trong cơ cấu các ngành dịch vụ.

+ Tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán 20-25%, tăng vốn huy động 20-25%, tỷ lệ nguồn vốn trung dài hạn/nguồn vốn huy động 30-35%. Tốc độ tăng dư nợ cho vay 20-25%/năm.

+ Mục tiêu thị trường bảo hiểm Đà Nẵng đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân 15% (phi nhân thọ 17%, nhân thọ 12%). Đầu tư vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế thành phố tăng 20%/năm.

III. Định hướng phát triển

1. Định hướng phát triển chung

Ưu tiên phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch và thương mại. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đời sống, dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ cơ bản với chất lượng cao như: dịch vụ thương mại, khách sạn nhà hàng, kinh doanh tài sản và tư vấn…