Báo cáo tình hình Kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2013

(Nguồn báo cáo kinh tế-xã hội tháng 12 và ước năm 2013 của Cục Thống Kê Đà Nẵng)

Năm 2013 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong bối cảnh, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm và phục hồi chậm; thiên tai, bão lụt gây thiệt hại nặng nề và nhiều khó khăn phát sinh ngoài dự kiến đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, với tinh thần chủ động và quyết tâm cao, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ chủ chốt; tiến hành kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố về phát triển kinh tế – xã hội.

Thành phố đã chỉ đạo giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngành, các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách và tạo nguồn thu bền vững cho thành phố; định kỳ gặp mặt động viên, chỉ đạo các ngành chức năng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp; hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với các chính sách hỗ trợ cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kinh tế thành phố tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Bên cạnh 6 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, có nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành Nghị quyết.

– Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2013 (gía so sánh 2010) của thành phố Đà Nẵng ước đạt 41.570 tỷ đồng, tăng 8,11% so cùng kỳ năm 2012 (Nghị quyết HĐND tăng 9,5-10%). Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,80%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,62%; khu vực dịch vụ tăng 11,05% so với năm 2012 và thuế sản phẩm tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2013, GRDP tăng 8,11% thì vai trò ngành dịch vụ đóng góp tăng trưởng 6,17% GRDP, công nghiệp đóng góp tăng trưởng 2,08%; xâydựng ảnh hưởng giảm 0,6% GRDP, nông lâm thủy sản chỉ đóng góp tăng 0,07% GRDP, thuế sản phẩm đóng góp tăng trưởng 0,39% GRDP.

Cơ cấu GRDP ước năm 2013 (giá hiện hành) như sau: Khu vực nông, lâm, thủy sản 2,37% (2012 là 2,62%); khu vực công nghiệp, xây dựng 29,74% (2012 là 31,32%); khu vực dịch vụ 57,95% (2012 là 56,08%) và Thuế sản phẩm 9,94% (2012 là 9,99%).

– Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 38.384 tỷ đồng, tăng 11,39% so với cùng kỳ (Nghị quyết 9-9,5%);

– Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 2.097 tỷ đồng tăng 3,71% so với cùng kỳ (Nghị quyết 3-3,5%);

– Giá trị sản xuất dịch vụ (giá so sánh 2010) đạt 40.574 tỷ đồng tăng 10,9% so với cùng kỳ (Nghị quyết 14-14,5%)

– Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.002 triệu USD, tăng 9,99%so với cùng kỳ (Nghị quyết 13,5-14%)

* Thu ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn 17.003 tỷ đồng, đạt 126% so với dự toán HĐND. Trong đó: Thu nội địa: Ước thực hiện tổng thu nội địa (thu thuế, phí, thu khác và thu tiền sử dụng đất) là 8.170 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán giao. Thu thuế xuất nhập khẩu: 2.130 tỷ đồng, đạt 73,7% là do kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng dầu giảm mạnh, dẫn đến thuế nhập khẩu của mặt hàng này giảm theo.

* Chi ngân sách địa phương: Ước thực hiện chi NSĐP năm 2013 là 15.925 tỷ đồng, tăng 3,59% so với dự toán HĐND. Cụ thể một số lĩnh vực như sau: Chi đầu tư phát triển: Ước thực hiện 9.169 tỷ đồng, Chi xây dựng cơ bản: Vốn trong nước uớc chi là 6.594 tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán. nguồn vốn ngoài nước 168 tỷ đồng. Chi thường xuyên: Ước thực hiện là 4.102 tỷ đồng, trong đó: chi theo dự toán đã trừ tiết kiệm là 3.820 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán giao. Nếu tính các khoản chi bổ sung do thay đổi chính sách chế độ, thực hiện cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp, các chế độ chính sách mới phát sinh trong năm và các nội dung nhiệm vụ năm trước chuyển sang năm 2013 thì đạt 102,1% dự toán giao.

Tình hình thực hiện các lĩnh vực kinh tế-xã hội cụ thể:

Công nghiệp

Ước tính tháng 12/2013, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,66% so với tháng trước; Ước tính tháng 12/2013, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2013 tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ bằng 81,42%; công nghiệp chế biến tăng 12,57%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,16%: sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 3,87% so với năm trước.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với năm trước: sản xuất trang phục tăng 17,26%; SX giày dép tăng 64,02%; sản xuất kim loại tăng 34,28%; SX sản phẩm điện tử tăng 39,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 23,81%… Một số ngành sản xuất giảm sút nhiều: Khai thác đá giảm 18,58%; Dệt giảm 25,76%; sản xuất sản phẩm từ ngành khoáng phi kim loại giảm 31,61%; sản xuất phụ tùng xe có động cơ giảm 16,22%…

Một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá như: Công ty CP sản xuất thương mại Hữu nghị (giày Hữu nghị) có sản phẩm giày tăng 64,02%, Công ty CP thép Đana-ý, Công ty TNHH điện tử Việt-Hoa tăng 39,39% so với năm trước, Công ty Matrix Việt Nam sản xuất đồ chơi trẻ em… Bên cạnh đó các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác đá, xi măng, bê tông là những ngành phục vụ cho xây dựng gặp khó khăn như: Công ty công trình đô thị (khai thác đá xây dựng), các doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi như: Công ty cổ phần Bê tông Đăng Hải, Công ty cổ phần Pacific Dinco, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Phước Yên… sản lượng bê tông tươi giảm mạnh…Riêng Công ty cổ phần đầu tư Phong Phú Sơn Trà (sản xuất sản phẩm dệt), trong 6 tháng cuối năm không ký được hợp đồng nên công ty chỉ hoạt động cầm chừng đã làm cho chỉ số sản xuất của ngành dệt giảm mạnh.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Các cơ quan chuyên ngành chỉ đạo, toàn thể các hộ nông lâm thủy sản tập trung phát triển theo hướng năng suất, chất lượng với tái cơ cấu và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2013 ước đạt 2.097 tỷ đồng (giá 2010), tăng 3,71% so với năm 2012 (trong đó: Nông nghiệp ước đạt 635 tỷ đồng, giảm 1,11%; Lâm nghiệp ước đạt 64 tỷ đồng, tăng 24,57%; Thủy sản ước đạt 1.398 tỷ đồng, tăng 7,66%).

Nông nghiệp:

Năm 2013, diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn thành phố ước đạt 8.955 ha, bằng 93,88% so với năm 2012. Trong đó: lúa ước đạt 5.425 ha, bằng 91,48% so với năm trước và có năng suất bình quân đạt 57,7 tạ/ha, bằng 96,73% so với năm 2012. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác như: ngô ước đạt 514 ha, bằng 84,26% so với năm trước; năng suất sơ bộ đạt 58,2 tạ/ha, tăng 1,08% so với năm 2012; khoai lang ước 329,5 ha, năng suất ước đạt 62,4 tạ/ha; lạc ước thực hiện 624 ha, năng suất sơ bộ đạt 21,6 tạ/ha; rau các loại diện tích ước đạt 870,7 ha, năng suất sơ bộ đạt 124,9 tạ/ha…

Trong năm 2013, cơ cấu giống gieo trồng trên địa bàn thành phố có sự thay đổi tích cực, giống dài ngày chiếm 75%, giống lúa trung, ngắn ngày chiếm 25%. Giống chính là NX30, Xi23; ngoài ra tùy theo điều kiện từng địa phương bố trí các giống khác như HT1, BC15, TBR45, KD18, Q5, BT7, ĐT34, nếp 87, NP2, SH2, QN2.

Trong năm 2013, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 515 ha, bằng 99,42% so với cùng kỳ năm trước (diện tích không thay đổi nhiều so với năm 2012), trong đó: diện tích cây ăn quả ước đạt 287 ha; cây lấy quả chứa dầu ước đạt 44 ha; cây điều ước đạt 27 ha; cây hồ tiêu ước đạt 77 ha; cây chè ước đạt 80 ha. Diện tích và năng suất các loại cây lâu năm so với cùng kỳ năm 2012 không có sự biến động lớn.

Đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố trong năm 2013 ước đạt như sau:

Tổng số lượng trâu 1.913 con, đạt 99,43% so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng là 336 con bằng 75,517% và sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 63,34 tấn, bằng 75,51% so với năm 2012. Tổng số lượng bò 13.785 con (trong đó: bò sữa 73 con, tăng 3 con so với năm 2012) đạt 103,98% so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng là 6090 con, bằng 78,64% và sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 748,08 tấn, bằng 78,64% so với năm trước. Sản lượng sữa tươi ước đạt 92,08 tấn, bằng 107,07% so với năm 2012.

Tổng số lượng lợn 72.291 con, bằng 119,92% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: lợn thịt 65.382 con chiếm tỷ trọng 90,44%; lợn nái 6.633 con chiếm 9,56%; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 6.648 tấn, tăng 15,50% so với năm trước.

Tổng số gà 322,42 ngàn con đạt 97,39% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số vịt 53.759 con đạt 87,91% so với cùng kỳ năm 2012.

Lâm nghiệp

Năm 2013, thành phố Đà Nẵng ước diện tích trồng mới tập trung đạt 395 ha, tăng 34,81% so với năm 2012; sản lượng khai thác gỗ ước đạt 25.290 m3, tăng 36,33%; sản lượng củi khai thác ước đạt 128.270 Ster tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác gỗ có tăng nguyên nhân do ảnh hưởng cơn bão số 10 và 11 làm gãy đổ hơn 150 ha rừng nên người dân phải thu hoạch sớm đã làm sản lượng khai thác gỗ và khai thác củi cao so với năm 2012. Số vụ cháy rừng giảm 10 vụ cháy so với năm trước

Trong năm, các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức tổng số 215 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản 103 vụ vi phạm hành chính, xử lý 95 vụ, phạt tiền 366,95 triệu đồng, tịch thu và thả lại rừng một số lâm sản có giá trị khác.

Thủy sản

Tổng số chiếc tàu khai thác thủy sản có động cơ tính đến thời điểm 31/12/2013 ước 1.744 chiếc, bằng 85,95% so với cùng kỳ năm trước, với tổng công suất 99.108CV, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số tàu thuyền đánh bắt xa bờ có mã lực lớn là 227 chiếc, bằng 98,29% so với cùng kỳ năm trước với tổng công suất 67.633 CV (chiếm tỷ trọng 68,24% so với tổng công suất trên toàn thành phố), tăng 43,97% so với cùng kỳ năm 2012.

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2013 ước đạt 484,52 ha, bằng 96,33% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn ước đạt 33.131 tấn, bằng 98,65% so với năm 2012. Trong đó: sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 32.387 tấn, bằng 98,6% và sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 744,87 tấn, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra trên địa bàn trong năm sản xuất tôm giống 84 triệu con, tăng 22 triệu con so với năm 2012.

Thực hiện vốn đầu tư

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2013 ước thực hiện được 26.516 tỷ đồng, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vốn Nhà nước quản lý ước đạt 11.549 tỷ đồng, bằng 79% so năm 2012; vốn ngoài nhà nước ước đạt 12.613 tỷ đồng, bằng 97,34 so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước 2.354 tỷ đồng, bằng 81,11% so năm 2012.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý:

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 11/2013 thực hiện được 620 tỷ đồng, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 615 tỷ đồng.

Tình hình một số công trình trọng điểm năm 2013:

Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/12/2013 công trình đã thực hiện được 1.214 tỷ đồng, đạt 61,74% so với tổng mức đầu tư. Riêng năm 2013 (ngày 1/1 đến 15/12/2013) thực hiện được 755 tỷ đồng.

Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 15/12/2013 công trình đã thực hiện được 61.615 triệu đồng, đạt 18,64% so với tổng mức đầu tư.

Cầu Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quí : Cả hai hạng mục công trình đã hoàn thành đang nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư của hai công trình này là 945.698 triệu đồng.

Ban quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng: Đến nay, đã thực hiện đền bù và bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 (328 ha) đạt tỷ lệ 94% (tương đương 310ha) với tổng giá trị đền bù 139.850 triệu đồng.

Đường vành đai phía nam và 2 cầu trên tuyến (cầu Cổ Cò và cầu Hòa Phước): Tính từ khởi công đến 30/11/2013, cầu Hòa Phước đã thực hiện được 483.085 triệu đồng, đạt 88,42% so với tổng mức đầu tư, đường vành đai phía nam thực hiện được 348.271 triệu đồng, đạt 85,88% tổng mức đầu tư.

Vận tải hàng hóa hành khách

Tổng doanh thu ngành vận tải (hàng hóa, hành khách, dịch vụ vận tải) ước đạt 5.932 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2012. Cụ thể từng ngành:

Tổng doanh thu vận tải hành khách năm 2013 ước đạt 1.349 tỷ đồng, tăng 13,7% so năm 2012. Khối ngoài nhà nước chiếm 80,25% trong cơ cấu doanh thu hành khách và tăng cao nhất 15,1% so năm 2012. Tổng khối lượng luân chuyển hành khách năm 2013 ước đạt 1.472,7 triệu HK.Km, tăng 13,4% so với năm trước.

Tổng doanh thu vận tải hàng hóa năm 2013 ước đạt 2.935 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với năm 2012. Tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng nếu loại trừ yếu tố chỉ số giá cước vận tải hàng hóa tăng 5,29% của năm 2013 so cùng kỳ năm trước, thì doanh thu bằng 96,61% so cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do một số công ty vận tải hàng hóa đường bộ chiếm tỷ trọng lớn như: Công ty Đa Phương thức, Petrolimex, Bình Vinh, Tân Minh Toàn, Ô tô 6… doanh thu và sản lượng đều giảm nhẹ. Khối lượng luân chuyển hàng hóa năm 2013 ước đạt 2.471,2 triệu T.Km, tăng 2,1% so với năm trước.

Doanh thu dịch vụ ngành vận tải ước đạt 1.648 tỷ đồng, tăng 14,3% so năm 2012. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do các doanh nghiệp vận tải chuyển xu hướng đầu tư từ vận chuyển hàng hóa sang làm dịch vụ vận tải.

Hàng hoá thông qua cảng: Dự kiến năm 2013 lượng hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 5.000 nghìn tấn, tăng 13,1% so năm 2012.

Thương mại

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2013 đạt 59.288 tỷ đồng, tăng 17,51% so cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 9,17% so cùng kỳ năm trước). Trong tổng mức bán lẻ: Thương nghiệp là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (63,91% so tổng mức) và tăng 14,15% so cùng kỳ; Khách sạn, nhà hàng tăng 26,28% so cùng kỳ; Du lịch tăng 21,69% so cùng kỳ và Dịch vụ tăng 22,18 % so cùng kỳ năm trước.

+ Kinh tế nhà nước: ước đạt 7.083 tỷ đồng, tăng 5,9 % so cùng kỳ năm 2012. Ngành thương mại có nhóm mặt hàng bán lẻ xăng dầu và các nhiên liệu khác, đồ dùng trang thiết bị gia đình, gỗ và vật liệu xây dựng có giá trị lớn chiếm tỷ trọng cao về doanh thu đều giảm so cùng kỳ. Nguyên nhân là do việc cắt giảm chi tiêu công trong năm 2013; khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của thị trường bất động sản, xây dựng công trình,… Từ đó xăng dầu, nhiên liệu dùng cho sản xuất kinh doanh cũng giảm nhiều.

Thành phần kinh tế tập thể : Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 12,04 tỷ đồng, tăng 3,27% so cùng kỳ năm 2012. Thành phần kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng nhỏ (0,02%) so với tổng mức chung nên mức tăng giảm ít ảnh hưởng. Xu thế ngày càng giảm đi các cơ sở HTX chuyên về hoạt động thương mại dịch vụ.

Kinh tế cá thể: ước đạt 22.168 tỷ đồng, tăng 17,33 % so cùng kỳ năm trước. Ngành thương mại là ngành trọng yếu của kinh tế cá thể mà các mặt hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng gia đình là các mặt hàng chủ yếu nên ảnh hưởng của suy giảm kinh tế vào ngành này không nhiều, sức mua vẫn duy trì tốt. Dịch vụ ăn uống tăng do kết hợp cả 2 yếu tố là: biến động giá và cung; mức cung ăn uống tăng khoản 15% cộng với mức tăng giá ăn uống ngoài gia đình là 4,99% đẩy mức tăng nhóm này lên khoản trên 19%. Lưu trú cá thể chủ yếu cho thuê phòng trọ nghỉ trong ngày và phòng trọ sinh viên nên không bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế, không bị tác động nhiều bởi yếu tố thời tiết.

Kinh tế tư nhân: ước đạt 25.996 tỷ đồng, tăng 16,9 % so cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp hoạt động thương mại lớn có doanh thu giảm hơn so cùng kỳ. Do sức mua giảm dẫn đến vòng quay vốn chậm, hoạt động bị đình trệ. Nhóm hàng hóa khác là sắt thép có nhu cầu giảm do ngành xây dựng giảm và vàng bạc liên tục giảm giá so năm 2012, nên nhóm mặt hàng này giảm 0,96 %. Tuy vậy các doanh nghiệp có qui mô nhỏ chiếm cơ cấu lớn trong tổng các doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn hoạt động tương đối tốt, đồng thời duy trì nguồn lao động nên mức tăng vẫn đạt khá. Số cơ sở lưu trú năm 2013 có tăng hơn 2012, tuy vậy qui mô các các đơn vị lớn không nhiều, mức tăng lưu trú tư nhân là 20%. Ngành dịch vụ tăng mạnh là dịch vụ y tế, truyền thông, vui chơi giải trí và dịch vụ khác hầu hết đều tăng trên 23%.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: ước đạt 4.032 tỷ đồng, tăng 53,6 % so cùng kỳ năm trước. Doanh thu chủ yếu của thành phần kinh tế này tập trung ở 4 ngành chính là: Lưu trú, bất động sản, truyền thông và hỗ trợ hành chính. Chiếm tỷ trọng cao nhất là ngành lưu trú; ngành lưu trú khu vực này là ngành chủ lực góp phần tăng tổng mức chung của TP Đà Nẵng. Các tháng gần cuối năm theo xu thế lưu trú giảm nhưng thành phần này không giảm mà có tăng nhẹ do đã có hợp đồng các đoàn khách quốc tế đến dự các hội nghị và đi du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh đó casino của khách sạn Shilver Shores có lượng khách đến tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ kèm theo là yếu tố quan trọng đã thu hút được lượng khách đến các khách sạn của thành phần kinh tế này.

Ngành thương mại: tốc độ tăng 14,15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm là các mặt hàng thiết yếu có mức tăng trưởng trên 16%; Nhóm phương tiện đi lại và phụ tùng tăng ở mức cao 24,54%, do sức mua của các phương tiện đi lại (chủ yếu là ô tô và các phụ tùng thay thế tăng). Nhóm xăng dầu tăng 18,4% (trừ đi yếu tố tăng giá 4,43%), thì mức tăng nhóm này chỉ còn 13,97%; Nhóm nhiên liệu khác giảm trên 20%, nguyên nhân cơ bản là do ngành than có doanh thu lớn trong tổng mức nhưng năm nay lượng bán ra giảm nhiều vì các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu không tăng nguồn hàng do cầu không cao, nợ các nhà máy này với công ty (cung cấp nhiên liệu (than) lớn nên công ty không cung cấp nguồn hàng. Còn lại các nhóm mặt hàng khác vẫn phát triển tương đối ổn định.

Ngành lưu trú, ăn uống: Ngành lưu trú, ăn uống có tốc độ tăng năm là 26,28%. Nhìn chung trong năm mức tăng của ngành ngành lưu trú có khả quan, cùng kỳ tăng 44,08%. Do lợi thế của thành phố Đà Nẵng về du lịch biển, và các dịch vụ phát triển phong phú nên thu hút được khách đến Đà Nẵng. Năm nay thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng cao do các khách sạn 5 sao đang mở rộng qui mô, dịch vụ phong phú, chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Hyatt, Furama, Shilver shores, biệt thự Ocean Villas đã thu hút khách quốc tế đến thành phố nhiều. Nhóm này cơ cấu lớn và mức tăng cao 70,45 % nên đã đẩy mức tăng chung lưu trú lên cao hơn so các ngành khác; Ngành ăn uống ngoài gia đình trong dân không tăng cao. Tuy vậy phục vụ ăn uống ở các hội nghị, từ các nhà hàng tiệc cưới, từ các trung tâm hội nghị và nhu cầu tăng của khách du lịch, nên mức tăng chung đạt 19,27 % so cùng kỳ.

Ngành lữ hành: Thành phố Đà Nẵng là thành phố trung tâm của cả nước, năm 2013 doanh thu du lịch ước tăng 21,69% so cùng kỳ. Các tours du lịch lớn có doanh thu cao được bán ra từ các công ty ở 2 đầu đất nuớc là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng chỉ bán được các tours du lịch nội địa trong nước và các nước lân cận có mức thu thấp nên tuy có tăng nhưng không cao bằng ngành lưu trú. Có 23 cơ sở lữ hành, song các cơ sở hầu hết chỉ làm môi giới, chỉ có 3 cơ sở trực tiếp bán tours là: Công ty cổ phần du lịch Việt Nam (Vitour), Công ty cổ phần du lịch Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn. Ngoài yếu tố trên, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến ngành này.

Ngành dịch vụ: mức tăng là 22,18% so cùng kỳ năm 2012. Tuy có nhiều nhóm dịch vụ tăng cao như y tế 30,6 % (do tăng mạnh cả 2 yếu tố là giá và cầu), hổ trợ hành chính 61,39%, truyền thông 22 %, khoa học công nghệ 39%. Đối với nhóm bất động sản chỉ tăng phần cho thuê, phần mua bán vẫn còn ngưng trệ nên giảm 8% so cùng kỳ.

Về ngoại thương:

Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2013 đạt 1.002 triệu USD, tăng 9,99% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Hàng nông lâm sản ước đạt 3,71 triệu USD, bằng 88,96% so cùng kỳ; Hàng thủy hải sản ước đạt 141 triệu USD, tăng 20,01% so cùng kỳ; Hàng CN-TTCN ước đạt 858 triệu USD, tăng 8,61% so cùng kỳnăm trước.

Các doanh nghiệp tăng cao so cùng kỳ đại diện cho từng loại hình kinh tế như: Công ty điện tử Foster (vốn đầu tư nước ngoài) tăng 54,96% so cùng kỳ năm 2012, Công ty CP thủy sản Thuận Phước (tư nhân) tăng 50,93% so cùng kỳ, Công ty CP dệt may Hòa Thọ (nhà nước) tăng 16,46% so cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như: hàng may mặc, thủy sản tăng trưởng tương đối cao. Ước giá trị XK hàng thủy sản năm 2013 tăng 20,01% và giá trị XK hàng may mặc tăng 9,65% so cùng kỳ năm 2012. Mặt hàng XK tăng cao và có xu thế phát triển trong thời gian đến là: sản xuất các loại linh kiện điện tử (chiếm 24,52% giá trị XK năm 2013 và tăng 26,53% so cùng kỳ năm 2012). Các mặt hàng trên đều của các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài: tai nghe điện thoại di động (công ty điện tử Foster), mô tơ điện tử (công ty Mabuchi), cuộn cảm điện tử (công ty Việt Hoa).

Ước kim ngạch nhập khẩu của năm 2013 là 991,16 triệu USD, tăng 9,08% so cùng kỳ năm trước. Trong kim ngạch nhập khẩu: khu vực kinh tế tư nhân đạt 346,51 triệu USD, tăng 9,04% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 417,82 triệu USD, tăng 13,6%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 226,81 triệu USD, tăng 1,71% so cùng kỳ.

Các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập của loại hình tư nhân như: Công ty CP thép Đa Na Ý chiếm 28,2%, Công ty Dược-Thiết bị y tế Đà Nẵng chiếm 15,4%, … Kim ngạch nhập khẩu của các DN vốn đầu tư nước ngoài chiểm tỷ trọng 42,16% và tăng 13,6% so cùng kỳ. Trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa thì loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất (42,16%). Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và các thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp.

Về giá cả thị trường:

* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 so tháng trước tăng 0,51%. Trong đó: khu vực thành thị tăng 0,50%, khu vực nông thôn tăng 0,58%. Các nhóm hàng tăng, giảm cụ thể là: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,55% Nguyên nhân chính đó là chỉ số của nhóm gaz và các loại chất đốt tăng 7,70%. Giá lương thực tăng 1,17%: tăng chủ yếu là do giá gạo tẻ thường tăng 1,19%, chỉ số của nhóm bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 5,10%. Giá thực phẩm tăng 0,92%, là do chỉ số của nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 1,64%; Cá tươi, ướp lạnh tăng 1,57%, nhóm thủy, hải sản khác chế biến tăng 3,07%. May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,41%, là do giá áo khoác người lớn tăng 1,41%, quần áo sơ mi nam lớn tăng 0,53%, quần áo thể thao người lớn tăng 2,56%. Bưu chính viễn thông giảm 0,05%: Chỉ số của nhóm này giảm là do giá điện thoại di động tháng này giảm 0,91%. Giao thông giảm 0,31%: Chỉ số giảm chủ yếu là do giá bình quân xăng, dầu giảm nhẹ so với tháng trước.

Giá vàng giảm 3,29% so với tháng trước; Giá USD tăng 0,01% so với tháng 11/2013.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 tăng 7,49%. Tăng cao nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 66,39%, kế đến là nhóm Giáo dục tăng 7,42%; thực phẩm tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 6,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,22%; Nhà ở, điện, chất đốt và VLXD tăng 3,68% ; Giao thông tăng 2,77%. Bên cạnh đó có nhóm Lương thực giảm 1,23% và nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,75% so với tháng 12 năm 2012.

Giá vàng giảm 29,08%, giá USD tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 so năm 2012 tăng 8,34%, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng bình quân của cùng kỳ năm trước ( năm 2012 so năm 2011 tăng 9,18%). Chỉ số giá phần lớn các nhóm hàng giảm so với chỉ số giá chung bình quân cùng kỳ. Những nhóm hàng tăng khá cao so với mức tăng bình quân chung như: nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 72,32%; nhóm giáo dục tăng 15,37%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 9,46%. Những nhóm hàng còn lại tăng thấp hơn giá bình quân chung, riêng nhóm hàng lương thực giảm 2,12%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Giá vàng giảm so bình quân cùng kỳ là 14,26%, giá Đô la Mỹ tăng 0,65% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Hoạt động y tế:

Đà Nẵng hiện có 1.654 cơ sở hành nghề y tế ngoài công lập bao gồm y tư nhân, y học cổ truyền, dược, kinh doanh mỹ phẩm, kinh doanh trang thiết bị y tế, vaccine và sinh phẩm y tế. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã kiểm tra 165 cơ sở, phát hiện 65 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, trong 58 cơ sở hành nghề Dược được thanh tra, có 14 cơ sở bị xử phạt số tiền hơn 70 triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu: kinh doanh thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định; bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng…

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.723 ca sốt xuất huyết, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 10/2013 tăng cao với 302 ca Trong đó số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất ở quận Hải Châu với 463 ca, Thanh Khê 287 ca, Liên Chiểu 256 ca, Sơn Trà 251 ca, Ngũ Hành Sơn 193 ca, Cẩm Lệ 163 ca và huyện Hòa Vang 110 ca.

Bệnh đau mắt đỏ có 7.479 người với trung bình mỗi tuần 250-260 ca

Tay-chân-miệng ghi nhận 2.443 trường hợp, trung bình mỗi tuần có 55-60 người mắc. Bệnh tay chân miệng không tăng cao so với năm trước như hai bệnh dịch trên, nhưng mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi cũng tiếp nhận khoảng 90 ca nhập viện, có thời điểm bệnh nhân gấp hơn 10 lần số giường.

Giáo dục

Đà Nẵng đạt giải nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42, đây cũng là năm thứ 3 (lần thứ 38, 39, 42) trường Trung học cơ sở Tây Sơn (Q.Hải Châu – TP.Đà Nẵng) có học sinh đoạt giải nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU của Việt Nam.

Thành phố sau một năm triển khai thực hiện đề án “chống mù chữ và phổ cập giáo dục”, tỷ lệ người biết chữ nhóm tuổi 16-60 đạt 99,4%; tỷ lệ người biết chữ nhóm tuổi 15-35 đạt 99,4%. Năm học 2012-2013, tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã mở 10 lớp dành cho những người biết chữ và không mù chữ trở lại, với 106 học viên. 100% xã, phường đạt chuẩn xóa mù chữ; 56/56 xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 56/56 xã, phường và 7/7 quận, huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi; 100% xã, phường trên địa bàn thành phố có trung tâm học tập cộng đồng để phổ biến kiến thức, triển khai các chuyên đề hành dụng cho người dân…

Môi trường

Hàng năm, UBND thành phố Đà Nẵng luôn phát động “Tuần lễ ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước” trước mùa mưa bảo nhằm mục đích kêu gọi toàn xã hội chung tay cùng chính quyền thành phố nạo vét mươn thoát nước, cống rảnh nơi mình sinh sống để hạn chế ngập úng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước của thành phố.

Sau khi tiến hành khắc phục kịp thời tình trạng ô nhiễm mùi hôi do chất thải y tế gây ra, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng đề án chi tiết về công tác bảo vệ môi trường dành cho bệnh viện quy mô 600 giường bệnh.

Từ sau cơn bão số 14 và 15, cộng với mưa lớn trong những ngày qua, khối lượng rác tấp vào bờ biển tăng đột biến. Lực lượng quân đội đã tiến hành dọn dẹp, thu gom hàng trăm tấn rác tại hai bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng. Những doi cát bị sóng đánh gây xói lở cũng được san phẳng lại. Những đống cát bị sóng đánh dạt lên Công viên Biển Đông cũng được thu dọn lại sạch sẽ.

Tình hình Tai nạn giao thông: Năm 2013 xảy ra 237 vụ, giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm 2012; chết 130 người, tăng 17 người chết so với cùng kỳ năm 2012; bị thương 198 người, giảm 49 người bị thương so với cùng kỳ năm 2012 và thiệt hại hơn 01 tỷ đồng. Cụ thể: Tai nạn giao thông Đường bộ: Xảy ra 232 vụ, giảm 26 vụ; làm chết 125 người; bị thương 196 người, giảm 49 người bị thương so với năm 2012. Tai nạn giao thông Đường sắt: Xảy ra 05 vụ, chết 05 người, bị thương 02 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ không tăng không giảm (5/5), tăng 01 người chết (5/4), bị thương không tăng không giảm (2/2). Tai nạn giao thông Đường thuỷ: Không xảy ra.

Lao động việc làm

Trong năm 2013 ước giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, đạt 96,77% so với kế hoạch năm 2013. Thẩm định trình các cấp phê duyệt và giải ngân cho vay năm 2013 là 37.117 triệu đồng với 1.583 dự án, thu hút 2.377 lao động (trong đó vốn uỷ thác từ ngân sách cho vay đối với hộ di dời giải toả 16.566 triệu đồng, 741 dự án thu hút 1.087 lao động);

Tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm, thu hút 1.093 doanh nghiệp và 21.720 lượt người lao động đến tham gia giao dịch, kết quả sơ tuyển, phỏng vấn có 8.123  lao động được giới thiệu việc làm. Trong đó, tổ chức 01 phiên Ngày hội việc làm và tư vấn học nghề tại huyện Hòa Vang; 01 phiên di động tại trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng;

Các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố đã đưa 200 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sang các thị trường Nhật bản 71 người; Đài Loan 10 người, Malaisia 114 người, UAE 01 người, Hàn Quốc 04 người…;

Thành phố hoàn thành việc cập nhật thông tin điều tra nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và việc ghi chép thông tin phần cung lao động tại các hộ gia đình, đổi toàn bộ sổ ghi chép thông tin cung lao động cho 5.785 thôn, tổ mới thay cho 2.488 thôn, tổ cũ. Tiếp nhận 8.851 người lao động đến đăng ký thất nghiệp, thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng cho 7.861 trường hợp.

Bằng các giải pháp tích cực đề ra trong đề án giảm nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, sửa chữa nhà, công trình vệ sinh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chính sách về y tế, giáo dục… Kết quả các đơn vị địa phương đã mua và cấp 97.884 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thoát nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí 55,24 triệu đồng; Cho 3.210 hộ nghèo vay vốn với tổng kinh phí 49.298 triệu đồng, vận động xây dựng 207 nhà cho hộ nghèo có đất ở ổn định với kinh phí 7.869 triệu đồng; sữa chữa 277 nhà với kinh phí 2.649,63 triệu đồng; vận động thăm và tặng quà hỗ trợ sinh kế cho hơn 3 nghìn hộ nghèo; duy trì thực hiện tốt các mô hình, “Tổ phụ nữ giúp việc gia đình” “Tổ may Hòa Quý” “nuôi cá nước ngọt, “ trồng hoa cúc vàng”; thành phố hỗ trợ sinh kế cho 3.043 hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động và không còn sức lao động với kinh phí 6,086 tỷ đồng; các đơn vị, địa phương được Thành uỷ phân công huy động các nguồn lực hỗ trợ các địa phương tích cực giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo. Ngoài ra Sở đã vận động các tổ chức AOG, EMW, Tầm nhìn thế giới, USAID, Quỹ từ thiện The Nam Hải hỗ trợ sinh kế, xây nhà, sửa chữa nhà, sinh kế, đào tạo nghề với nguồn kinh phí trên 01 tỷ đồng. Kết quả đã có 6.862 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt 130,7% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố giao, số hộ còn lại trong chương trình 15.183 hộ, chiếm tỷ lệ 6,27 %/tổng số hộ.

An toàn lao động: Tổ chức tốt “Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – PCCN lần thứ 15 năm 2013” và 16 lớp huấn luyện AT-VSLĐ và cấp giấy chứng nhận cho 1.696 người sử dụng lao động, người quản lý và người làm công tác AT-VSLĐ. Tiếp nhận thủ tục và thực hiện cấp 2.778 thẻ an toàn lao động cho người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tuy nhiên, tai nạn lao động vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, trong năm 2013 đã xảy ra 12 vụ tai nạn lao động làm 12 người chết. Sở Lao động-thương binh xã hội công nhận nội quy lao động cho 60 đơn vị, tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể cho 55 đơn vị, tiếp nhận thang bảng lương của 399 doanh nghiệp, tiếp nhận phân hạng doanh nghiệp cho 23 doanh nghiệp.

Tóm lại, năm 2013 kinh tế thành phố đã có tín hiệu phục hồi nhờ các chính sách của Chính phủ và Lãnh đạo thành phố triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn, quản lý tốt công tác đầu tư XDCB, kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai. Kết quả kinh tế thành phố có sự tăng trưởng khá trên các lĩnh vực dịch vụ du lịch, thông tin truyền thông, công nghiệp…, an sinh xã hội được đảm bảo, giá cả thị trường hàng hóa ổn định, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, thể dục thể thao, khoa học công nghệ được đảm bảo và phát triển, an ninh chính trị xã hội được giữ vững./.